Bản in     Gởi bài viết  
Kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình điểm về "Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông" 
 

    Trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã luôn chú trọng đến công tác xây dựng mô hình điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở cộng đồng dân cư. Trong năm 2016, Ban công tác Mặt trận thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch được Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng mô hình “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”.

     Dọc theo Quốc lộ 1A với tổng chiều dài hơn 3km, KDC Tiền Phong, xã Thanh Trạch có tổng diện tích tự nhiên là 731 ha, trong đó: đất sản xuất nông nghiệp 115 ha; thôn có 547 hộ chia thành 08 xóm với 1.370 lao động chính; ngành nghề trong thôn đa dạng; số lao động nông nghiệp chiếm 65%, các ngành nghề khác như: ngư nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ xây dựng, chăn nuôi trang trại và một số ngành nghề khác chiếm 35%. Trong thôn có 09 xe ô tô vận tải hàng hóa, 05 xe con, 07 xe công nông và xe tự chế, 550 xe gắn máy thường xuyên tham gia giao thông trên các tuyến đường trên địa bàn thôn. Thôn có Đảng bộ bộ phận với 72 Đảng viên sinh hoạt ở 8 chi bộ trực thuộc, các thành viên trong Ban công tác Mặt trận thôn là các đồng chí Chi hội trưởng của các tổ chức đoàn thể; thôn có 1 tổ an ninh gồm 7 thành viên; 8 xóm có 8 tổ hòa giải, bà con nhân dân sinh sống hòa thuận, đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.

    Trong những năm trước khi chưa triển khai mô hình điểm, với một địa bàn dân cư sống dọc 2 bên đường Quốc lộ 1A đi qua, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó lường. Một số người dân còn vi phạm pháp luật, thiếu ý thức trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tình trạng không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người theo quy định, tình trạng uống rượu, bia, lạng lách, chạy quá tốc độ quy định khi tham gia giao thông vẫn xảy ra liên tục; việc đi sai làn đường, trẻ em chưa đủ tuổi vẫn tham gia điều khiển phương tiện giao thông vẫn còn tiếp diễn, dẫn đến tình trạng xảy ra tai nạn giao thông làm thiệt hại về người và tài sản.

     Ngay khi được chọn xây dựng mô hình điểm, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận TQVN xã Thanh Trạch đã Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện mô hình; Ban công tác Mặt trận thôn thành lập Ban điều hành, đồng thời xây dựng Quy chế, kế hoạch hoạt động, phân công trách nhiệm cho 8 đồng chí Bí thư chi bộ 8 xóm phụ trách 8 cụm dân cư và tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng mô hình điểm, tổ chức ký cam kết cho các tổ chức đoàn thể và từng hộ dân về việc chấp hành tốt luật lệ giao thông. Tổ chức kiện toàn “Nhóm nòng cốt” tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gồm 11 thành viên, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền về Luật giao thông đường bộ và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến giao thông đường bộ, qua đó đã góp phần giảm thiểu và chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông như: Không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang công trình giao thông, có trách nhiệm bảo vệ công trình và phương tiện giao thông.

    Tuyên truyền, vận động các hộ dân có các phương tiện xe cơ giới (mô tô, xe máy, ô tô) của gia đình được đăng ký, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ an toàn giao thông. Người dân khi điều khiển xe cơ giới, xe mô tô đều thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông, có đầy đủ giấy tờ liên quan đến phương tiện và giấy phép lái xe, không uống rượu bia khi tham gia giao thông.

     Các tổ chức, đoàn thể trong thôn đã có sự phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò để tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng dân cư đã tạo được ý thức tự giác khi tham gia giao thông, đồng thời nâng cao vai trò của Ban công tác Mặt trận thôn, đội ngũ cốt cán, cán bộ các chi hội, tổ hội, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên và người thân trong gia đình, nhất là lực lượng Đoàn viên thanh niên chấp hành nghiêm túc các nội dung trong Bản cam kết đã được ký kết tại hội nghị triển khai mô hình điểm.

     Ban công tác Mặt trận thôn thường xuyên theo dõi, kiểm tra đôn đốc trong việc thực hiện mô hình và tổ chức một số hoạt động tuyên truyền, vận động như: Tổ chức họp dân, tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, thông qua các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể để lồng ghép tuyên truyền vận động, nói chuyện chuyên đề, thông báo các văn bản luật, các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về trật tự an toàn giao thông, vì vậy trong năm 2016, 2017 tình hình vi phạm an toàn giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn giảm đáng kể, không có các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra.

    Qua triển khai thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư thực hiện tốt an toàn giao thông” của tỉnh đối với các KDCcó thể khẳng định rằng nhận thức, trách nhiệm của Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận đoàn thể và nhân dân đối với việc thực hiện an toàn giao thông đã được nâng lên rõ rệt. Các mô hình đã và đang phát triển rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia và đi vào đời sống xã hội, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thôn được bảo đảm an toàn. Từ khi triển khai mô hình đến nay, trên địa bàn thôn không có vụ việc xảy ra liên quan đến vi phạm an ninh trật tự và an toàn giao thông. Từ đó có thể rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau:

     Thứ nhất, mô hình điểm“Khu dân cư thực hiện tốt an toàn giao thông” phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Cấp ủy Đảng; sự phối chặt chẽ của Ban công tác Mặt trận khu dân cư với BCH thôn; sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, đoàn thể. Tăng cường phát huy vai trò nòng cốt của “Nhóm nòng cốt” trong công tác tham mưu, hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền để thực hiện mô hình.

     Thứ hai, mô hình phải được xây dựng từ các xóm, cụm dân cư làm nền tảng của sự phát triển vững chắc, toàn diện; cần chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm và người có uy tín trong dòng họ và cụm dân cư, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, từ đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của thôn và của toàn dân tham gia mô hình.

     Thứ ba, coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân thấy được mục đích ý nghĩa của mô hình là đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ tín mạng và tài sản của mỗi một người dân trên địa bàn. Phát huy tính tự quản, tự bảo vệ; qua đó tạo sự tin tưởng, lôi cuốn để mỗi người trong thôn tự giác tham gia mô hình. Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo; đồng thời có chính sách động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, các nhân tiêu biểu trong thực hiện mô hình.

     Thứ tư, phong trào “Toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông” phải được triển khai đồng bộ tới các xóm trong thôn với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm, tình hình, tính chất của từng xóm; gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội và các phong trào của địa phương. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngủ Ban công tác Mặt trận thôn và các đoàn thể chính trị- xã hội, nhất là “Nhóm nòng cốt” tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng dân cư góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn thôn./.

Anh Đào

 

 

[Trở về]