Bản in     Gởi bài viết  
Kỷ niệm 42 năm ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (25-4-1976 - 25-4-2018) 
 

      Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước với hai chính phủ, đó là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Vì vậy, yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

     Tháng 11/1975, đoàn đại biểu hai miền Nam - Bắc đã họp Hội nghị hiệp thương chính trị tại thành phố Hồ Chí Minh quyết nghị “cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn nhất”. Trong toàn bộ quá trình hoàn thành thống nhất Tổ quốc, khâu chính là thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Vì vậy, Hội nghị hiệp thương chính trị quyết định tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung thống nhất. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức ngày 25-4-1976

    Để cuộc bầu cử đạt kết quả tốt, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy Đảng phải hết sức coi trọng việc lãnh đạo Tổng tuyển cử. Theo Chỉ thị số 228-CT/TW ngày 3/1/1976 của Bộ Chính trị, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

    Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về việc lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cùng thống nhất việc thành lập Hội đồng bầu cử toàn quốc với số đại biểu ngang nhau của mỗi miền. Theo Hội nghị Hiệp thương chính trị, Hội đồng bầu cử toàn quốc gồm 22 đại biểu (mỗi miền cử 11 đại biểu), trong đó có 1 Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch (Chủ tịch là đồng chí Trường Chinh; Phó Chủ tịch là đồng chí Phạm Hùng).

    Ngay từ tháng 2-1976, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Tổng tuyển cử đã được triển khai trong cả nước. Các phương tiện truyền thông như báo chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình đều xác định việc tuyên truyền Tổng tuyển cử là một công tác trọng tâm trong thời gian chuẩn bị và thực hiện bầu cử. Các văn kiện của Đảng và Nhà nước về Tổng tuyển cử được giới thiệu và tổ chức học tập rộng rãi trong nhân dân.

     Cuộc vận động Tổng tuyển cử được tiến hành rầm rộ trong cả nước. Càng đến ngày bầu cử, nhiệt tình cách mạng, ý thức và trách nhiệm về quyền công dân của quần chúng càng được thể hiện rõ rệt. Trước ngày bầu cử, hầu hết các thị xã, thành phố đều có mít tinh, diễu hành của quần chúng hoan nghênh Tổng tuyển cử. Riêng thành phố Sài Gòn, hàng chục vạn công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh đã xuống đường tuần hành. Tất cả các địa phương, các cơ quan, đơn vị bộ đội, bệnh viện, trường học, phường, ấp... đều lập bàn thờ Tổ quốc, treo cờ, kết hoa để chào mừng Tổng tuyển cử.

     Theo quyết định của Hội đồng bầu cử toàn quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức ngày 25-4-1976. Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân Việt Nam. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước diễn ra trong điều kiện hoà bình. Trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

     Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,59%. Có nhiều xã, huyện, thị, đơn vị vũ trang và khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bầu. Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.Trong tổng số 492 đại biểu trúng cử: Công nhân chiếm 16,26%; nông dân 20,33%; thợ thủ công 1,22%; cán bộ chính trị 28,66%; quân nhân cách mạng 10,97%; tri thức 18,50%; nhân sĩ dân chủ và tôn giáo 4,06%; đại biểu nữ 26,21%; đại biểu các dân tộc thiểu số 14,28%. Cuộc Tổng tuyển cử đã thành công rực rỡ, cả nước đã bầu đủ số đại biểu theo quy định ở ngay vòng đầu. Điều đó đã khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng thành công nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

    Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Thành phần của đại biểu Quốc hội được cử tri lựa chọn đã phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Công nhân Hải Phòng bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VI - Ảnh ST

     Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây là thành quả vĩ đại của 45 năm nhân dân ta đấu tranh cách mạng không ngừng kể từ khi Đảng ta ra đời, là thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thắng lợi của 30 năm Đảng ta lãnh đạo chính quyền nhân dân, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam dẫn đến sự thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, chính thức hóa việc thống nhất Việt Nam. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng sáng tạo của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, mang tầm vóc một học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển với ý chí không gì lay chuyển nổi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:“Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam ta là một. Dù cho sông cạn đá mòn, Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”.

    Đây là thắng lợi có ý nghĩa chính trị to lớn tiếp theo chiến thắng vĩ đại về quân sự mùa Xuân năm 1975, là thắng lợi của quyền làm chủ đất nước của nhân dân. Thắng lợi này đã khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân Việt Nam quyết vượt qua mọi khó khăn trở ngại để xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, tự do, thống nhất, phát triển đất nước, tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.

    Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và tổ chức Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới. Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Ðịnh là Thành phố Hồ Chí Minh. Sự ra đời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mở đầu cho bước phát triển mới trong quá trình đi lên của đất nước.

    Quốc hội khoá VI đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính quyền mới ở miền Nam, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất bảo vệ chính quyền trong điều kiện hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn quốc.

     Trong kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI ( 24/6 - 3/7/1976), sau khi thảo luận đề nghị của Đoàn Chủ tịch kỳ họp, Quốc hội đã nhất trí thông qua các nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất: Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa lấy tên là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh; Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội; Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bài Tiến quân ca; quyết định khoá Quốc hội được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 là Quốc hội khoá VI nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong khi chờ đợi có Hiến pháp mới, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc quy định Nhà nước Việt Nam sẽ tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Tổ chức nhà nước của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Trung ương gồm có Quốc hội, Chủ tịch nước và hai Phó Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Hội đồng Quốc phòng, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

     Quốc hội khoá VI, kỳ họp thứ nhất đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Quốc hội đã thiết lập cơ cấu lãnh đạo chung của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân và vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế, đối với xã hội và đời sống của nhân dân.

    Quốc hội đã ra tuyên bố ghi lại bước đường đấu tranh vẻ vang của dân tộc, xác định những nét lớn về nhiệm vụ chiến lược, về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn cách mạng mới. Quốc hội kêu gọi toàn dân hăng hái tiến quân vào các mặt trận lao động, sản xuất, công tác và học tập, vì sự toàn thắng của công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, tích cực góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.

    Với kết quả của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, công việc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước đã hoàn thành, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng nhân dân, đáp ứng yêu cầu tất yếu khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy sức mạnh toàn diện của đất nước, tập trung cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thống nhất, mở ra khả năng to lớn để phát triển quan hệ với các nước trên thế giới.

    Từ năm 1976 đến nay, Việt Nam đã trải qua 7 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội. Quốc hội các khóa đều đảm bảo nguyên tắc quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, thực hành dân chủ, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, được quán triệt trong nhiệm vụ xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của dân, do dân, vì dân. Quốc hội có những bước đổi mới quan trọng, từ khâu bầu cử đại biểu đến hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, làm tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường và lắng nghe ý kiến cử tri; nâng cao sức chiến đấu, vai trò, vị trí của Đảng cầm quyền, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức được tăng cường. Chính phủ có nhiều cải tiến trong phương thức hoạt động, trong thực hiện cải cách hành chính theo tinh thần phục vụ nhân dân. Hệ thống chính trị được củng cố, phân định rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn đảm nhiệm ngày càng toàn diện hơn trong việc lãnh đạo, quản lý sự phát triển đất nước./.

Tổng hợp

[Trở về]