Bản in     Gởi bài viết  
MẶT TRẬN TQVN CÁC CẤP TỈNH QUẢNG BÌNH VỚI VIỆC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG HỘI VIÊN, ĐOÀN VIÊN VÀ NHÂN DÂN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TƯ GẮN VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, ĐÔ THỊ VĂN MINH”. 
    Thực hiện Nghị quyết số 33 ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Mặt trận TQVN và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh đã tích vận động hội viên, đoàn viên triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh. 

   Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động sâu rộng đến cơ sở, địa bàn khu dân cư thông qua các hội nghị, các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở và thông qua Trang Thông tin điện tử của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn việc các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

   Nhờ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sáng tạo và hiệu quả, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các nội dung mà Nghị quyết đề ra. Về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, Mặt trận các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài và chăm sóc sức khỏe. Sau 2 đợt lũ kép năm 2016 và bão số 10 năm 2017 làm nhiều trường học, trạm y tế trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nhiều trang thiết bị dạy học, dụng cụ y tế bị hư hỏng. Ban Cứu trợ tỉnh đã kêu gọi, vận động nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ khắc phục sữa chữa hàng trăm trường học, trạm y tế với số tiền hỗ trợ trên 8 tỷ đồng, góp phần khắc phục khó khăn; tuyên truyền, vận động, giám sát và kiến nghị để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Phong trào rèn luyện sức khỏe được tổ chức rộng khắp thông qua các đại hội thể dục thể thao từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Do đó công tác dân số, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa sự lây lan các dịch bệnh được thực hiện hiệu quả. Số người tham gia BHYT tăng hàng năm và đạt tỷ lệ rất cao. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ người dân tham gia BHYT toàn tỉnh là 91,7%. Công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương và hoạt động văn hóa, nghệ thuật được Mặt trận phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương chú trọng thực hiện. Mặt trận động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh đã phát huy tinh thần sáng tạo, tích cực trong các hoạt động sáng tác, quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Quảng Bình với bạn bè trong và ngoài nước. Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát triển sản xuất theo hướng tăng cường liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp liên kết với tổ hợp tác, hợp tác xã; bám sát định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phối hợp tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện, xây dựng các Đề án về phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của tỉnh; tuyên truyền, vận động phát triển 736 trang trại theo hướng chất lượng và giá trị, tạo việc làm cho hơn 3.341 lao động, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững ở nông thôn; phối hợp tuyên truyền, vận động phát triển 160 HTX nông lâm nghiệp, thủy sản và 86 Tổ đoàn kết khai thác trên biển hiệu quả.

   Đặc biệt, Mặt trận tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn giúp đỡ hộ nghèo theo hướng phù hợp, bền vững, lấy các hộ nghèo làm trung tâm. Từ năm 2016 đến 2018, Quỹ “Vì người nghèo” vận động được 41,2 tỷ đồng và ủng hộ các chương trình an sinh xã hội trên 25 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, Mặt trận các cấp đã hỗ trợ tu sữa, xây nhà đại đoàn kết cho 1.163 hộ, đặc biệt là công trình xây dựng 46 nhà ở cho hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại do thiên tai ở 2 xã Lâm Hóa, Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa với số tiền 3.450.000.000 đồng; 37 nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo bị thiệt hại do thiên tai ở 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch huyện Bố Trạch với số tiền 2.960.000.000 đồng; đang xây dựng 43 nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã Trọng Hoá và Dân Hoá, huyện Minh Hoá trị giá hơn 3.6 tỷ đồng; xây dựng 20 nhà cho các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) và xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) trị giá 1.7 tỷ đồng. Thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, tết cho 50 ngàn lượt hộ nghèo, trị giá gần 20 tỷ đồng; số hộ nghèo được Mặt trận và các đoàn thể nhận hỗ trợ là 4.880 hộ, trong đó đã thoát nghèo 1.693 hộ.

   Từ năm 2017, Mặt trận tỉnh triển khai Đề án "Hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt năm 2016 và vùng thường xuyên bị thiên tai để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017 - 2018” và chương trình truyền hình thực tế "Tiếp sức cho người nghèo vùng thiên tai". Từ tháng 9 năm 2017 đến giữa tháng 6/2019 đã trao 2.050 con bò giống sinh sản trị giá 30,75 tỷ đồng cho 2.050 hộ nghèo chăm sóc, phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững; kêu gọi tài trợ được 520 triệu đồng để tổ chức 08 Chương trình truyền hình “Tiếp sức cho người nghèo vùng thiên tai” và công tác quản lý bò ở các huyện, TX, TP; phối hợp với Viettel tài trợ phần mềm quản lý, 1.233 sim điện thoại và giao dịch miễn phí qua số điện thoại đường dây nóng cho các hộ, cán bộ quản lý các cấp, cán bộ thú y để thực hiện chương trình tư vấn, khuyến cáo và quản lý bò đến từng hộ...trị giá 100 triệu đồng; tổ chức tập huấn về chuỗi giá trị bền vững trong chăn nuôi cho 1750 hộ nghèo. Thông qua triển khai Đề án đã tạo việc làm cho gần 2.000 lao động nhàn rỗi. Đến nay đã có 17 con bò sinh bê con, 161 con bò mang thai, tỷ lệ sống trên 97% so với dự tính số bò nuôi sống của Đề án phải đạt 92%. Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới tích cực và hiệu quả. Nhân dân tham gia hiến tặng đất, đóng góp ngày công, tài sản, tiền mặt với tổng giá trị ước tính gần 132 tỷ đồng. Cuộc vận động đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 62/136 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 45,6%.

   Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, Mặt trận đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên tham gia xây dựng văn minh đô thị, thực hiện nghiêm các quy định về quy hoạch, chỉnh trang đô thị, lòng đường, vỉa hè góp phần tạo nên cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp; phát triển, đa dạng hoá ngành nghề dịch vụ và sản xuất kinh doanh, xây dựng văn minh và đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tổ chức tập huấn về kiến thức bảo vệ môi trường cho hơn 12.000 lượt cán bộ Mặt trận và đoàn thể cơ sở; xây dựng và duy trì được 34 mô hình điểm về về bảo vệ môi trường. Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa, văn minh; thực hiện việc cưới, việc tang văn minh tiến bộ, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các lễ hội truyền thống; xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”. Tỷ lệ “Gia đình văn hoá” và “Khu dân cư văn hóa” tăng qua hàng năm. Năm 2018, toàn tỉnh có 197.017/236.255 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 83,4 %, có 918/1218 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” đạt tỷ lệ 75,4%. Hàng năm Mặt trận KDC tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư sôi nỗi, trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực động viên, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, thật sự là Ngày hội của nhân dân. Thông qua việc tổ chức Ngày hội đã biểu dương, khen thưởng ngày càng nhiều gương người tốt việc tốt, những điển hình, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thi đua phát triển sản xuất - kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, việc khen thưởng, biểu dương khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu trong Ngày hội góp phần xây dựng đạo đức, lối sống, nếp nghĩ văn minh, tinh thần tương thân, tương ái, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ngày càng bền chặt, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Các giá trị văn hóa trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được Mặt trận các cấp quan tân tuyên truyền, vận động. Đã xuất hiện một số mô hình hay như “mô hình kết nghĩa lương giáo” giữa các khu dân cư ở huyện Bố Trạch đã góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó với đồng bào tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân...

   Để đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đảm bảo an toàn trật tự xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận các cấp tích cực phối hợp với Công an, các ban, ngành đoàn thể cùng cấp tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”, đồng thời tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, bảo đảm ANTT, an toàn xã hội ở địa bàn dân cư, kết quả: Tổ chức hơn 5.000 buổi cho 385.500 lượt người tham gia; tổ chức cho trên 90% khu dân cư và hộ gia đình ký cam kết bảo đảm an ninh trật tự. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 6.131 tổ quần chúng bảo vệ an ninh trật tự đang hoạt động có hiệu quả. Có 1625 lượt người được vận động cảm hóa, giáo dục; người dân đã gửi 6.707 tin tố giác tội phạm, số tin có giá trị là 3.866 tin. Đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng vận động được 18.387 hộ gia đình đăng ký tham gia phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc bảo vệ thôn, bản khu vực biên giới”; phối hợp cấp phát 214 đầu sách pháp luật cho các xã khu vực biên giới; mở 200 lớp dạy xóa mù chữ, vận động 1.361 học sinh bỏ học trở lại trường; xây dựng 147 mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... gắn với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

   Về xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, - Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã đã phát huy dân chủ, chủ động tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự phối hợp của chính quyền cùng cấp để triển khai thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội. Trong thời gian qua, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề được 12 cuộc; phối hợp tham gia giám sát với HĐND và các cơ quan có thẩm quyền: 30 cuộc; giám sát qua nghiên cứu, xem xét văn bản của các cơ quan chức năng: 173 văn bản; tổ chức 05 Hội nghị góp ý và phản biện. Mặt trận các cấp và các tổ chức đoàn thể đã chủ trì tổ chức đối thoại 529 cuộc; giám sát 1.231 cuộc; phối hợp tham gia giám sát với HĐND và các cơ quan có thẩm quyền 1.881cuộc; nghiên cứu, tham gia vào 2.321 văn bản của các cơ quan chức năng ban hành liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát 4.067 cuộc. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận TQVN tỉnh đã tổ chức 05 Hội nghị góp ý và phản biện, nội dung chủ yếu góp ý vào các dự thảo Luật có ý nghĩa quan trọng trong đời sống nhân dân; Mặt trận cấp huyện và cấp xã đã tổ chức phản biện xã hội thông qua các hình thức với 1.821 cuộc.

   Mặt trận các cấp cũng đã tiếp nhận nhận gần 1.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Qua xem xét, nghiên cứu, đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm và một số chế độ chính sách khác. Đến nay, toàn tỉnh có 1.237 tổ hòa giải ở cơ sở với 8.775 hòa giải viên; đã tiến hành hòa giải 1.586 vụ, trong đó hòa giải thành 1.362 vụ (chiếm 85,8%). Đã xuất hiện nhiều mô hình tự quản hiệu quả ở khu dân cư. Hoạt động của các Tổ hòa giải thời gian qua đã góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận các cấp cùng chính quyền thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh. Ngoài ra, Mặt trận các cấp đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân được quan tâm chỉ đạo trên cơ sở ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững, kinh doanh có hiệu quả. Mặt trận động viên các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện tốt các nghĩa vụ đóng góp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; các hoạt động từ thiện, nhân đạo...

   Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 và Chương trình hành động số 28, tuy còn gặp một số khó khăn và tồn tại hạn chế, tuy nhiên có thể khẳng định, Mặt trận và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn, triển khai thực hiện, từ đó góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, đã vận động nhân dân xây dựng và hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội nhằm đạt mục tiêu xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ….

Duy Hưng
 

[Trở về]