Bản in     Gởi bài viết  
Những tấm gương tiêu biểu của bản làng ở huyện Quảng Ninh 
 

      Với mỗi bản làng của các dân tộc thiểu số, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng hết sức quan trọng. Vai trò của họ được thể hiện ở mọi mặt của đời sống như: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và chấp hành pháp luật; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng; trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế; giữ gìn phong tục tập quán, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.

     Huyện Quảng Ninh có 15 xã, thị trấn, 116 khu dân cư với 25.064 hộ, 89.062 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều có 938 hộ với 3.668 khẩu sinh sống ở 20 bản thuộc 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn (trong đó có 834 hộ nghèo).

      Những năm qua, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện đạt nhiều đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng có nhiều chuyển biến tích cực. Mặt trận và các Đoàn thể phối hợp động viên đồng bào tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước góp phần xoá đói, giảm nghèo, tạo sự thay đổi rõ rệt về cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới ở miền núi. Để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, MTTQVN huyện đã chú trọng tuyên truyền, vận động các già làng trưởng bản, người có uy tín ở các bản phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào thi đua của địa phương.

     Điển hình trong thực hiện các phong trào có Ông Hồ Văn Hiếu ở Bản Sắt, xã Trường Sơn. Trước những khó khăn của một bản nghèo, xã trung tâm xã, ông đã mạnh dạn đề xuất UBND xã giao 146 rừng cộng đồng cho nhân dân chăm sóc, bảo vệ. Bản thân ông cũng đã tích cực trồng, chăm sóc 1 ha rừng khoanh nuôi và vận động nhân dân trong bản không chặt phá rừng bừa bãi, không khai thác gỗ trái phép...tích cực sản xuất nâng cao thu nhập từ việc tích cực khai thác các loại lâm sản phụ như: dây mấu, mây, giang, lá nón...

     Ông Hồ Thao ở bản Lâm Ninh xã Trường Xuân, đã gương mẫu đi đầu và vận động bà con không để đất trống, tăng gia trồng thêm khoai, sắn để đảm bảo lương thực. Gương mẫu nhận đất trồng rừng, bảo vệ rừng, vận động nhân dân trong bản mạnh dạn nhận đất, khai hoang trồng rừng. Đến nay, gia đình ông có 15 héc ta cây keo, bạch đàn và 100% diện tích đất rừng trong bản được nhân dân trồng cây và nhận bảo vệ rừng.

     Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, với chủ trương giao đất, giao rừng cho bàn con canh tác, đồng bào dân tộc hai xã Trường Sơn, Trường Xuân không ngừng nỗ lực phấn đấu, tích cực lao động sản xuất, biết khai thác thế mạnh vùng rừng núi. Thay bằng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, các hộ dân đồng bào dân tộc đã mạnh dạn thay đổi hướng sản xuất phù hợp.

     Nhiều điển hình trong sản xuất như Ông Hồ Soa ở bản Khe Dây, xã Trường Xuân đã mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế vườn nhà, trồng 7 sào hồ tiêu với hơn 250 gốc với diện 3.500 m2, 11ha trồng keo chàm hoa vàng, 2 ha ao hồ nuôi trong thuỷ sản, 6 sào lúa nước, ước tính thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Bản thân luôn gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hương ước thôn bản, vận động con em, bà con dân bản thực hiện nếp sống văn hóa, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Tiêu biểu trong phát huy tinh thần đoàn kết giữa 2 dân tộc kinh và Bru Vân Kiều.

     Ông Hồ Nam ở Bản Khe Ngang xã Trường Xuân đã trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, kết quả đã trồng 0,5 ha cao su, 3,5 ha keo chàm hoa vàng. 7 con bò, 19 con lợn, 170 con gà, từ đó thu nhập gia đình hàng năm ổn định, đảm bảo nuôi con ăn học..Không những làm ăn giỏi, ông luôn đi đầu trong mọi việc của bản. Với cương vị là trưởng Bản Khe Ngang, ông luôn tuyên truyền, vận động bà con dân bản thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng Bản văn hóa.

      Ông Hồ Văn Tiến ở Bản Chân Trọng, xã Trường Sơn đã mạnh dạn cùng các đồng chí lãnh đạo xã tổ chức khảo sát nguồn nước để kiến nghị với cấp trên đầu tư, hỗ trợ kinh phí làm hệ thống nước sạch, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa nước cho bà con. Sau khi có nguồn nước, gia đình đã gương mẫu, mạnh dạn đi đầu áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất 2 sào lúa nước, 7 con bò tiếp cận, học tập kinh nghiệm mô hình trồng sắn nguyên liệu từ bản Khe Cát để thực hiện và tuyên truyền, vận động bà con áp dụng vào sản xuất. Đến nay, đời sống bà con trong bản đã từng bước được nâng lên.

     Là trưởng bản Thượng Sơn, xã Trường Sơn, anh Hồ Xuân Thuần luôn trăn trở về đời sống của bà con dân bản với những đặc thù khó khăn của bản về địa lý, đã cùng các đồng chí trong cấp ủy học hỏi kinh nghiệm về phát triển chăn nuôi, trồng trọt để có thể truyền đạt cho bà con. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và gương mẫu trong thực hiện phát triển kinh tế nên hàng năm số hộ nghèo giảm từ 2-3 hộ, số hộ đạt gia đình văn hóa tăng lên; anh cũng tích cực học hỏi kinh nghiệm dự án trồng cỏ chăn nuôi trâu bò, vay vốn đầu tư nuôi bò sinh sản, đến nay gia đình anh đã có 15 con trâu, bò.

     Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết, bảo vệ an ninh tổ quốc”, các bản giáp biên và đồng bào Vân Kiều trên địa bàn đóng vai trò không nhỏ, trong đó phải kể đến vai trò của già làng, trưởng bản. Tiêu biển như: bà Hồ Thị Bông, ông Hồ Văn Dừa ở bản Hôi Rấy, ông Hồ Văn Tiến ở bản Chân Trộng xã Trường Sơn, ồng Hồ Văn Thiệt bản Khe Dây... đã tập hợp, huy động được sức mạnh tổng hợp của bà con dân tộc tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ 38 km đường biên giới Việt - Lào, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đảm bảo cuộc sống bình yên và hạnh phúc của đồng báo dân tộc trên địa bàn huyện trong đó người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong giữ gìn khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Phối hợp cùng lực lượng công an giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Luôn phối hợp với chính quyền để tuyên truyền vận động nhân dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu; cùng với các lực lượng công an, quân đội xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững bình yên nơi thôn bản.

     Tiêu biểu trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, có bà Hồ Thị Thư ở Bản Đá Chát xã Trường Sơn, với cương vị là Trưởng bản, bà đã gương mẫu đi đầu vận động bà con trong bản nhất là chị em phụ nữ xóa bỏ các tập tục lạc hậu như tục “Nối dây”, vận động con em đến trường đảm bảo số lượng, động viên chị em thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình ( 80% chị em trong bản được tuyên truyền về các chính sách). Ngoài hoạt động xã hội, bản thân trăn trở về kinh tế hộ gia đình, năm 2012 được sự quan tâm đầu tư dự án trồng cỏ chăn nuôi trâu bò và dự án nuôi gà, bản thân đã tích cực học tập kinh nghiệm về giống cỏ, giống gà và kỷ thuật, vay vốn đầu tư trồng cỏ chăn nuôi trâu bò sinh sản và chăn nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, thu nhập từ 25-30 triệu đồng/năm giúp gia đình thoát được cảnh đói nghèo.

    Chị Hồ Thị Con bản Bến Đường xã Trường Sơn là người luôn tiên phong gương mẫu trong công tác tuyên truyền, vận động bà con dân bản thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, tích cực phối hợp với Đồn biên phòng Làng Mô làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trong đồng bào dân tộc Vân Kiều; vận động bà con trong bản nhất là chị em phụ nữ đẩy lùi các tập tục lạc hậu như tục “Nối dây”, nạn tảo hôn...Luôn giữ gìn, phát huy và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào như: Lễ hội mừng lúa mới, nhạc cụ tự tạo, phong trào văn hoá, văn nghệ - thể dục thể thao. Ngoài gương mẫu trong công tác xã hội, bản thân đã nuôi dạy các con trưởng thành, tích cực phát triển chăn nuôi gia đình, hiện gia đình có 14 con bò, kinh té gia đình ngày càng khấm khá.

    Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các Đoàn thể, tiêu biểu anh Hồ Thiệt bản Khe Dây xã Trường Xuân, là thanh niên trẻ tuổi nhưng luôn tích cực, gương mẫu đi đầu trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động bà con Khe Dây đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên hàng năm tỷ lệ hộ nghèo trong bản giảm từ 3-5 hộ, 95% con em trong độ tuổi đến trường thường xuyên.

    Để phát huy hơn nữa vai trò tích cực của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, cấp ủy, Mặt trận các cấp huyện Quảng Ninh đã và đang triển khai thực hiện giải pháp nâng cao trình độ cho đội ngũ này về kiến thức pháp luật, khoa học kỹ thuật về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó là khuyến khích già làng, trưởng bản, người có uy tín tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần xây dựng bản làng ngày càng đổi mới./.

Duy Hiền - Đài TT – TH Quảng Ninh

[Trở về]