Bản in     Gởi bài viết  
Tấm gương vượt khó của một người khiếm thị 
 

     Nghe về anh đã lâu, nhưng đến tận Đại hội đại biểu Hội người mù tỉnh Quảng Bình lần thứ IV, nhiệm kỳ 2017 - 2022 tôi mới có dịp được gặp mặt và nói chuyện với Trần Xuân Thành. Sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của anh đã trở thành tấm gương cho những người khiếm thị khác noi theo.

      Sinh ra trên mảnh đất xã Quảng Phong thuộc thị xã Ba Đồn, với diện tích toàn xã là 4,69 km2, dân số khoảng 4.805 người. Đây là địa phương giàu truyền thống anh hùng và cũng là nơi chứng kiến, chịu nhiều đau thương mất mát do hậu quả của hai cuộc chiến tranh để lại.

Anh Trần Xuân Thành cùng BCH Hội người mù tỉnh, nhiệm kỳ 2017 - 2022 (người từ thứ 3 bên phải sang)

     Không được may mắn như bao người khác, đôi mắt của anh từ nhỏ đã không được tốt, mỗi khi nhìn mọi vật xung quanh rất khó khăn, càng ngày thì càng mờ nặng. Lúc bấy giờ cuộc sống gia đình anh rất vất vả, mọi chi tiêu, sinh hoạt của cả gia đình hoàn toàn dựa vào đồng lương ít ỏi của bố anh. Nhưng năm lên bảy tuổi biến cố lớn đã xảy đến với gia đình. Bố anh không may qua đời để lại cho ba mẹ con anh những nổi đau mất mát, khó khăn chồng chất khó khăn, cũng kể từ đó những bữa ăn của gia đình anh là những nồi cơm trắng, cháo rau qua ngày.

     Anh tâm sự, khi đến độ tuổi đi học anh cũng được mẹ tạo điều kiện được đến trường cùng với bạn bè trang lứa, nhưng quả thực việc học tập vô cùng khó khăn. Mặc dù đã được giáo viên, nhà trường quan tâm, tạo điều kiện cho ngồi bàn đầu tiên nhưng do mắt quá yếu anh vẫn không thể nhìn thấy gì ở trên bảng. Những lúc thầy cô giảng bài anh ngồi chăm chú lắng nghe, tối về nhà phải mượn vở của bạn học gần nhà để chép lại bài học. Với sự cố gắng của bản thân cùng với sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè anh cũng đã hoàn thành được chương trình Trung học cơ sở. Nhưng sau đó không thể tiếp tục đến trường, cũng không có một nghề nghiệp hay kỹ năng để mưu sinh, cuộc sống của anh chỉ bó buộc trong ngôi nhà nhỏ.

      Bước ngoặt đến với anh vào năm lên 17 tuổi, các bác, các chú ở Hội người mù huyện Quảng Trạch đến nhà vận động anh tham gia vào tổ chức Hội và tạo điều kiện cho đi học chữ Braille tại Tỉnh hội. Lần đầu tiên xa gia đình khiến anh rất lo lắng nhưng với sự động viên, giúp đỡ của các giáo viên và các cô chú ở Tỉnh hội nên dần dần đã thích nghi được với môi trường và đạt được kết quả cao sau khoá học. Nhận thấy sự cố gắng, nỗ lực hết sức mình của anh, lãnh đạo Tỉnh hội đã tín nhiệm cử anh đi đào tạo các khoá học như: Lớp giáo viên chữ Braille, giáo viên dạy Tin học, Kỹ thuật viên xoa bóp bấm huyệt, lớp Cán bộ quản lý hội và một số khoá học khác tại Trung ương Hội. Tham gia các khóa học anh đều đạt kết quả cao và nhận được nhiều giấy khen của Trung tâm.

     Năm 2011, được sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của Hội người mù tỉnh Quảng Bình, anh trở về Cơ sở Dạy chữ - Dạy nghề của Tỉnh hội với vai trò là một giáo viên dạy chữ Braille và dạy Vi tính cho hội viên người mù của tỉnh nhà. Với những kiến thức đã tích luỹ trong các khoá học cùng với sự nhiệt tình tâm huyết, tấm lòng yêu thương những người đồng cảnh ngộ, anh đã đưa hết khả năng của mình để truyền thụ lại cho các học viên. Kết quả, các khoá học mà anh giảng dạy đều đạt kết quả tốt, được lãnh đạo Tỉnh hội đánh giá cao. Được sự giúp đỡ của Hội người mù tỉnh và sự hỗ trợ của Hội vì sự phát triển của người khuyết tật Quảng Bình, năm 2013 anh đã thành lập được Cơ sở xoa bóp tẩm quất tại trung tâm thị xã Ba Đồn, tạo việc làm cho 5 hội viên của Hội người mù thị xã với mức thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng trên người/tháng.

     Khâm phục trước hoàn cảnh, sự nỗ lực, cố gắng của anh một người con gái đến từ Hà Tĩnh đem lòng yêu mến và cùng anh xây dựng gia đình. Với vốn liếng tự có cùng với sự giúp đỡ của Ủy ban MTTQVN thị xã và Hội Chữ thập đỏ thị xã, gia đình anh đã cất được một căn nhà kiên cố vào năm 2016. Hiện tại, gia đình nhỏ của anh đã có 02 con gái xinh đẹp, khoẻ mạnh, cháu lớn đang học mẫu giáo nhỡ và cháu bé đang học mẫu giáo bé. Các con của anh đều ngoan ngoãn, học giỏi, luôn được các cô giáo khen ngợi.

     Bản thân anh cũng luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc thi do Tỉnh hội và TW Hội tổ chức. Tại Liên hoan Tin học lần thứ Nhất của Tỉnh Hội anh đã đạt giải Nhì và được tham gia Hội thi Tin học dành cho người mù toàn quốc lần thứ Nhất (năm 2015). Tham gia Liên hoan Tiếng hát từ trái tim toàn quốc lần thứ V (năm 2016), anh đạt được Huy Chương Bạc do Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch trao tặng. Và mới đây nhất, tháng 9/2017, anh được chọn đi tham dự Hội thi xoa bóp tẩm quất toàn quốc do TW Hội người mù Việt Nam tổ chức tại thành phố Thanh Hoá, kết quả anh đã đạt được giải Nhất, mang niềm vui, niềm hạnh phúc về cho Hội người mù Quảng Bình.

     Với những thành xuất sắc trên, tại Đại hội Hội người mù thị xã Ba Đồn nhiệm kỳ 2017 - 2022 anh được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội người mù thị xã và tại Đại hội đại biểu Hội người mù tỉnh Quảng Bình lần thứ IV, nhiệm kỳ 2017 – 2022 anh Trần Xuân Thành được đại hội tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành hội người mù tỉnh Quảng Bình lần thứ IV, nhiệm kỳ 2017 – 2022.

     Với trọng trách là người đứng đầu Thị hội, BCH hội người mù tỉnh, trong thời gian tới anh tâm sự sẽ nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để đưa phong trào của Hội người mù ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người mù trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

      Với một người dù đôi mắt đã không còn nhìn thấy rõ, nhưng sự tự tin vẫn ánh lên mạnh mẽ trên khuôn mặt khi nhắc đến dự dự định sẽ làm trong tương lai. Tôi tin chắc rằng dù là công việc khó khăn như thế nào anh cũng sẽ nỗ lực đạt được, góp phần nâng cao vị thế của người khiếm thị theo lời dạy của bác Hồ “tàn nhưng không phế”./.

Văn Lộc

[Trở về]